Trang

12/8/13

Mô hình trạm xăng tự phục vụ

1. Khái niệm mô hình trạm xăng tự phục vụ (self-service gasoline station)
Mô hình trạm xăng tự phục vụ xuất hiện đầu tiên ở châu Âu vào đầu thập niên 80 và lan tới Mỹ sau đó khoảng năm năm. Mô hình này giờ đây không còn xa lạ ở các nước phương Tây, nhưng vẫn còn khá mới mẻ tại châu Á.
Một khách hàng đang tự bơm xăng tại trạm xăng tự phục vụ ở
                         Ảnh: Internet
Nguyên tắc hoạt động của các trạm xăng tự phục vụ về cơ bản là như nhau. Việc thanh toán được thực hiện dưới nhiều hình thức - bằng thẻ tín dụng, thẻ xăng trả trước, hay thậm chí bằng tiền mặt (nếu trạm xăng vẫn có quầy thu ngân bên trong, có thể khách hàng sẽ phải vào thanh toán trước khi bơm xăng).
Khách hàng có thể bấm nút chọn loại nhiên liệu và mức cần mua (một trong các mức hệ thống gợi ý sẵn hoặc tự nhập số). Một số vòi có tính năng khoá tay cầm, để khách không phải giữ vòi trong suốt thời gian bơm nhiên liệu. Khi bơm đủ lượng nhiên liệu khách hàng cần, hoặc khi bình nhiên liệu đầy, vòi sẽ tự động ngắt. Nếu muốn chủ động ngắt bơm, chỉ cần kéo nhả tay nắm.
2. Những ưu điểm từ mô hình trạm xăng tự phục vụ
- Tiết kiệm chi phí thuê nhân công qua đó có thể giảm giá bán lẻ nhiên liệu 
- Đơn giản hóa việc đổ nhiên liệu và thanh toán (có thể bằng tiền mặt, thẻ xăng trả trước, thẻ tín dụng…)
- Tránh tình trạng gian lận số lượng nhiên liệu với hóa đơn đầy đủ, rõ ràng
3. Trở ngại khi áp dụng mô hình này
- Nguy cơ cháy nổ khi nhiều khách hàng thiếu ý thức, vô ý hút thuốc, nghe điện thoại hoặc gây rò rỉ xăng 
- Nguy cơ trộm xe khi khách hàng bận thao tác đổ nhiên liệu
- Vấn đề thời tiết khi khách hàng phải ra khỏi phương tiện để đổ nhiên liệu (xe ô tô)
- Ùn tắc giao thông và cảnh quan tại các khu vực có trạm xăng tự phục vụ
4. Trải nghiệm tại một số quốc gia
Hàn Quốc
Theo số liệu của Hiệp hội Xăng dầu Hàn Quốc, tính đến cuối tháng 5 năm 2012, tổng số trạm xăng tự phục vụ là 775, tăng hơn 2 lần so với con số 334 của cùng kỳ năm 2011, chiếm 5,8% tổng số trạm xăng dầu của nước này. Giá xăng tại các cơ sở này rẻ hơn từ 40-90 won, tương đương 3,5-8 cent.
Hiệp hội cho biết sự phát triển đột biến này là do sự quan tâm ngày một lớn của những tài xế nhạy cảm với giá và nỗ lực của các trạm xăng trong việc cắt giảm chi phí nhân sự do doanh số giảm.
Ấn Độ
Tại Ấn Độ, mô hình trạm xăng tự phục vụ cũng đã manh nha từ cuối năm 2011, sau khi Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (Indian Oil Corp.) mở trạm đầu tiên ở Delhi. Trong giai đoạn thử nghiệm, vẫn luôn có một nhân viên ở trạm xăng để hỗ trợ và hướng dẫn khách tự bơm xăng, sử dụng vòi bơm, lấy biên lai tự động và thu tiền. Khi người tiêu dùng đã dần quen với mô hình tự phục vụ, công ty sẽ bổ dung một số hạng mục dịch vụ và chuyển sang hình thức thanh toán hoàn toàn tự động bằng thẻ tín dụng.
Thái Lan
Hồi đầu năm nay, trong khi nhiều doanh nghiệp ở Bangkok (Thái Lan) đang đau đầu với vấn đề thiếu nhân công và tăng chi phí nhân công thì các công ty dầu khí lại biến mối lo này thành cơ hội, bằng việc triển khai mô hình trạm xăng tự phục vụ. Với mô hình này, khách hàng có cơ hội mua xăng với giá rẻ hơn còn các công ty thì bớt được chi phí nhân công. Các cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu xây dựng hệ thống quy định cho mô hình trạm xăng tự phục vụ.
UAE – Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất
Cuối năm 2008, Công ty Dầu khí Các tiểu vương quốc Ảrập (Enoc - the Emirates National Oil Company) đã phải ngừng mô hình trạm xăng tự phục vụ sau 3 tháng thử nghiệm không thành công ở Dubai. Chương trình thử nghiệm 10 trạm xăng tự phục vụ cho thấy đa số khách hàng vẫn chưa chấp nhận mô hình này. Một số tài xế ở Dubai phàn nàn rằng hệ thống của Enoc quá phức tạp. Họ không thích việc phải trả tiền cho thu ngân trước khi bơm xăng. Nếu họ lỡ bơm không đúng số tiền đã trả thì phải quay lại quầy thu ngân để lấy lại tiền thừa hoặc trả thêm tiền. Như vậy quá mất thời gian và phiền phức. Họ muốn bơm nhiên liệu xong mới trả tiền.
Thêm vào đó, có ý kiến cho rằng, một số tài xế thao tác quá chậm, khiến người đến sau phải chờ lâu. Một số khác cho biết, họ không muốn ra khỏi xe để tự bơm xăng khi trời nắng nóng hoặc mưa, nên thích đến trạm nhiên liệu có nhân viên phục vụ hơn.
Cách đây hơn 4 năm, Công ty Dầu mỏ quốc gia Adnoc (Abu Dhabi National Oil Company) cũng đã thử mô hình tự phục vụ tại 15 trạm nhiên liệu ở Abu Dhabi, và cũng không thành công. Hiện tại, công ty có 5 máy bơm xăng tự phục vụ đặt tại các trạm xăng khác nhau, nhưng không có cái nào hoạt động.
Một cán bộ giám sát của Adnoc cho biết, nhiều tài xế đã phát hiện lỗ hổng của các máy bơm nhiên liệu tự động nên rút thẻ tín dụng ra khỏi máy trước khi giao dịch hoàn tất, để không phải trả tiền.
Giờ đây, với một số cải tiến về trang thiết bị và công nghệ, Adnoc muốn triển khai lại mô hình trạm xăng tự phục vụ. Để tạo thuận lợi cho khách hàng, Adnoc thực hiện song song cả mô hình tự phục vụ lẫn có nhân viên phục vụ tại các trạm xăng. Ngoài ra, công ty còn triển khai hệ thống tích điểm để khuyến khích khách sử dụng máy bơm xăng tự động. Theo đó, khách hàng có thể đổi điểm tích luỹ lấy thực phẩm và đồ uống ngay tại các trạm xăng của Adnoc.
5. Thực tế tại Việt Nam
Ở Việt Nam, mô hình trạm xăng phục vụ là một khái niệm khá mới mẻ. Hiện tại, chưa có bất kỳ mô hình trạm xăng nào như vậy trên cả nước. Nguyên nhân cho sự khác biệt này so với các quốc gia khác trên thế giới có thể là: Chi phí đầu tư trang thiết bị tự động tốn kém, không phải người dân nào cũng biết cách tự bơm nhiên liệu, tự động hóa có thể dẫn tới dư thừa lao động, không có người quản lý trực tiếp sẽ dẫn tới hiện tượng chen lấn, xô đẩy, và nhất là vấn đề phòng chống chảy nổ tại các trạm xăng khi phần đông người Việt còn chưa có ý thức tắt máy, xuống xe, không hút thuốc lá và nghe điện thoại tại các trạm nhiên liệu. Thiết nghĩ, nếu giải quyết được những vấn đề trên, các mô hình trạm xăng tự phục vụ có thể sẽ xuất hiện tại Việt Nam trong vài ba năm tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét